Trám răng là một quy trình nha khoa phổ biến nhằm điều trị sâu răng, sứt mẻ, nứt, hỏng hoặc mất mảnh răng. Thông qua việc sử dụng vật liệu trám như composite hoặc amalgam, bác sĩ nha khoa có thể tái tạo và khắc phục bề mặt răng. Trong phần lớn trường hợp, quá trình trám răng không gây đau hoặc chỉ gây đau rất ít.
Trám răng là gì?
Trám răng (hay còn được gọi là hàn răng) là một phương pháp điều trị phổ biến trong nha khoa sử dụng vật liệu trám nhân tạo để bổ sung vào các mô răng bị mất do sâu răng, sứt mẻ răng. Trám răng giúp khôi phục chức năng ăn nhai và đảm bảo tính thẩm mỹ của hàm răng.
Theo National Institute of Dental and Craniofacial Research (NIH) Trước khi trám răng, nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị tổn thương, làm sạch vùng bị ảnh hưởng và trám đầy lại bằng vật liệu trám chuyên dụng trong nha khoa. Các vật liệu được sử dụng để trám răng hiện nay khác đa dạng, bao gồm: nhựa composite (vật liệu trám giống màu răng tự nhiên), amalgam (hợp kim của thủy ngân, bạc, đồng, thiếc và kẽm), vàng, sứ.
Trám răng có đau không?
Quá trình trám răng thông thường không gây đau hoặc rất ít đau đối với một số người. Trước khi bắt đầu quá trình trám răng, bác sĩ sẽ sử dụng một chất gây tê để làm tê liệt hoặc giảm cảm giác đau ở khu vực xung quanh răng cần trám. Điều này giúp ngăn chặn cảm giác đau trong quá trình trám răng.
Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt khi trám răng có thể cảm thấy không thoải mái hoặc đau nhẹ. Điều này xảy ra nếu răng bị tổn thương nặng, việc làm sạch sâu phải thực hiện nhiều hơn, hoặc sẽ gây đau nhẹ nếu trám răng gần với dây thần kinh nhạy cảm. Trong những trường hợp này, bác sĩ nha khoa có thể xem xét sử dụng các biện pháp giảm đau bổ sung để làm giảm cảm giác đau cho bệnh nhân.
Trường hợp nào cần thực hiện trám răng?
Kỹ thuật nha khoa trám răng được thực hiện trong một số trường hợp sau:
1. Trám răng sâu
Trám răng sâu là một kỹ thuật nha khoa quan trọng được thực hiện để điều trị các vấn đề do sâu răng, gây tổn thương nghiêm trọng đến cấu trúc răng. Khi răng bị sâu, vi khuẩn tạo ra axit tấn công bề mặt răng (men răng), khiến răng bị mất chất khoáng và hư hại răng. Trám răng sâu giúp bịt kín lỗ sâu không cho vi khuẩn xâm nhập, loại bỏ tình trạng sâu răng và ngăn ngừa sâu răng trở lại.
Trong quá trình trám răng sâu, nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch và loại bỏ phần bị nhiễm trùng. Sau đó, vùng bị hư hỏng sẽ được trám bằng vật liệu nhân tạo để làm đầy mô răng bị mất, ngăn chặn sâu răng lan đến tủy và bảo vệ răng khỏi tổn thương.
2. Trám răng bị mẻ
Trám răng mẻ được thực hiện khi một phần nhỏ của răng bị mẻ do chấn thương thể thao, tai nạn,... Trong trường hợp này, việc trám răng mẻ được sử dụng để khôi phục lại cấu trúc và chức năng nhai của răng.
Khi thực hiện trám răng mẻ, nha sĩ sẽ làm sạch bề mặt phần răng bị mẻ để chuẩn bị trám răng. Sau đó, nha sĩ sẽ áp dụng vật liệu trám lên bề mặt răng và sử dụng các công cụ phù hợp để định hình và hoàn thiện kết cấu trám. Mục tiêu của quá trình này là tái tạo hình dạng và chức năng của răng, đồng thời cải thiện tính thẩm mỹ.
3. Trám răng thưa
Người bị răng thưa do kích thước răng không đồng đều, thói quen nhai, cắn không đúng cách,... sẽ được nha sĩ đề nghị thực hiện trám răng. Trám răng thưa giúp điều chỉnh và lấp đầy khoảng trống giữa các răng, tạo ra một hàm răng thẳng và đều đặn hơn.
Phương pháp trám răng thưa thường được áp dụng cho trường hợp răng hở khoảng 2mm. Với những trường hợp răng thưa có khoảng hở lớn hơn nếu trám răng sẽ gây mất cân đối, nha sĩ sẽ đề xuất bạn thực hiện niềng răng hoặc bọc răng sứ.
4. Trám răng thay thế miếng trám cũ
Trong trường hợp miếng trám cũ trên răng bị hỏng, mòn hoặc không còn bám chặt vào răng, nha sĩ có thể thực hiện quá trình trám răng để thay thế miếng trám cũ. Quá trình này có thể được gọi là trám răng thay thế hoặc trám lại.
Khi trám răng thay thế miếng trám cũ, nha sĩ sẽ loại bỏ hoặc lấy đi miếng trám cũ và chuẩn bị bề mặt răng để tiếp nhận miếng trám mới. Sau đó, vật liệu trám mới, chẳng hạn như composite, sẽ được áp dụng lên bề mặt răng để hoàn thiện miếng trám.